Chuyên quyền Vương_Chấn_(hoạn_quan)

Đầu tháng 1 năm 1435, Minh Tuyên Tông qua đời, thái tử Chu Kỳ Trấn được lập lên nối ngôi, tức là Minh Anh Tông. Vương Chấn lập tức được trọng dụng.

Minh Anh Tông còn nhỏ, bà nội là Trương thái hoàng thái hậu nhiếp chính. Mặc dù có các đại thần nguyên lão đời trước như Trương Phụ, Dương Sĩ Kỳ, Dương Vinh, Dương Phổ phò tá nhưng Anh Tông chỉ thực sự tin dùng Vương Chấn.

Sau khi lên ngôi, Vương Chấn được Anh Tông phong ngay làm Ty lễ giám đứng đầu các hoạn quan. Do nhà Minh đã bỏ chức thừa tướng từ thời Minh Thái Tổ, quyền hành tập trung hết vào tay vua, tới thời Minh Anh Tông nhờ cậy hết vào Vương Chấn: các tấu chương từ dưới tâu lên Anh Tông đều để Vương Chấn phê duyệt[7]. Vì vậy uy quyền của Vương Chấn ngày càng lớn.

Do sự chuyên quyền của Vương Chấn, Trương thái hoàng thái hậu từng ra tay ngăn chặn, theo di huấn khi còn sống của Minh Thái Tổ không để hoạn quan dự triều chính. Nhưng điều đó chỉ tạm thời cản Vương Chấn. Năm 1442, Trương thái hoàng thái hậu qua đời, từ đó không còn ai ngăn cản sự lộng hành của Vương Chấn.

Nhiều quan lại sợ Vương Chấn nên ra sức lấy lòng ông, nhiều người muốn bản tấu được phê đều phải đút lót cho Vương Chấn. Nhiều vị công hầu trong triều vì lấy lòng Vương Chấn, tự cắt hết râu cho giống ông, và gọi ông bằng cha, dù khi đó ông mới khoảng 30 tuổi[4]. Trong số những người đút lót Vương Chấn không phải tất cả đều mưu đồ cá nhân, cũng có những viên quan như Chu Thầm nhờ đó mà làm lợi cho địa phương mình[8].

Khi giao hết quyền cho Vương Chấn, Minh Anh Tông ở sâu trong cung cấm hưởng lạc. Nhà vua hoàn toàn tin tưởng vào tài năng của Vương Chấn, vì từ nhiều đời trước các hoạn quan vào cung đều không biết chữ, trong số các hoạn quan trong triều khi đó chỉ có Vương Chấn xuất thân từ học trò tự hoạn vào cung[9][10].